

Trả lời Câu hỏi số 110625-6 của độc giả Ngô Tiến Tuấn về quy định về TNDS bắt buộc của chủ xe cơ giới tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) có ý kiến như sau:
Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.”
Khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: “2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng bao gồm “Chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định: “1. Chủ xe cơ giới là chủ sở hữu xe cơ giới hoặc được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe cơ giới.”.
Điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định: “5. Người thứ ba: a) Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Người thứ ba là người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra, trừ những người sau: Người lái xe, người trên xe, hành khách trên chính chiếc xe đó; chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho tổ chức, cá nhân khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.”.
Điều 7 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định về phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: “1. Phạm vi bảo hiểm:Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại sau:a) Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.; b) Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau: a) Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.; b) Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.; c) Người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ theo quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.; d) Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.; đ) Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xecơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồnvượt quá mức trịsốbình thường theo hướng dẫn của BộY tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.; e) Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.; g) Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.; h) Thiệt hại do chiến tranh, khủng bố, động đất.”
Đề nghị độc giả căn cứ quy định pháp luật nêu trên để tham khảo, thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính xin thông tin tới độc giả Ngô Tiến Tuấn./.