THỨ SÁU 25/7/2025 11:18
Hỏi:
Tôi muốn hỏi về việc Công ty bảo hiểm Việt Nam ( Cụ thể là BIC) Việt Nam có được phép cung cấp bảo hiểm rủi ro công trình đang thi công tại lãnh thổ Lào không. Công ty tôi có thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm này với BIC và yêu cầu phía BIC chứng minh khả năng được phép cung cấp bảo hiểm của họ tại Lào nhưng họ chỉ phản hồi rằng vì tại giấy phép hoạt động của công ty đã có cụm " Phạm vi hoạt động: Lãnh thổ Việt Nam và Lãnh thổ bên ngoài Việt Nam" nên họ đương nhiên được phép cung cấp sản phẩm bảo hiểm tại Lào Nhưng bên cạnh đó tôi được biết theo pháp luật Lào chỉ chấp nhận bảo hiểm trên lãnh thổ Lào phải do 1 tổ chức bảo hiểm được thành lập theo pháp luật Lào cung cấp và chịu trách nhiệm. Kính mong BTC giải thích và làm rõ vấn đề này giúp tôi Xin chân thành cảm ơn
23/07/2025
Trả lời:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022: 2. Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm có thể thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế trong trường hợp có ít nhất một trong các bên tham gia là tổ chức,cá nhân nước ngoài hoặc các bên tham gia là tổ chức Việt Nam, công dân Việt Nam nhưng đối tượng bảo hiểm hoặc việc thực hiện hợp đồng ở nước ngoài. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”.

- Theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022: “17. Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe”.

- Theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022: “24. Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và đóng phí bảo hiểm”.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022: 1. Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu tham gia bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

- Theo quy định tại điểm b, điểm k khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022: “2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây: b) Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; k) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

- Theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm h  khoản 1 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022: “1. Bên mua bảo hiểm có các quyền sau đây: a) Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để giao kết hợp đồng bảo hiểm; b) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài … giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; h) Quyền khác theo quy định của pháp luật”.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam(BIC) là doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Theo khoản 1 Điều 1 Giấy phép điều chỉnh số 11/GPĐC9/KDBH ngày 18/6/2012: “Địa bàn hoạt động: Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam được phép hoạt độngtrên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài”.

Đề nghị độc giả phối hợp với BIC trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính xin thông tin tới độc giả Trần Thị Thanh Hằng./.

Gửi phản hồi: