

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu; trường hợp hồ sơ mời thầu có các nội dung làm hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Nghị định này thì các nội dung này không phải căn cứ để xem xét đánh giá hồ sơ dự thầu.
Theo hướng dẫn tại Mục 1.2 Chương III Mẫu E-HSMT gói thầu xây lắp qua mạng áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT ngày 17/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp nhà thầu liên danh thì thỏa thuận liên danh phải nêu rõ nội dung công việc cụ thể và ước tính giá trị tương ứng mà từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện theo Mẫu số 03 Chương IV. Việc phân chia công việc trong liên danh phải căn cứ các hạng mục nêu trong bảng tổng hợp giá dự thầu quy định tại Mẫu số 11 (11A hoặc 11B hoặc 11C hoặc 11D hoặc 11E) Chương IV hoặc theo các công việc thuộc quá trình sản xuất hạng mục trong bảng tổng hợp giá dự thầu; không được phân chia các công việc không thuộc các hạng mục này hoặc không thuộc quá trình sản xuất các hạng mục này.
Theo đó, việc đánh giá nội dung thỏa thuận liên danh trong E-HSDT gói thầu xây lắp tuân thủ các quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu. Việc tỷ lệ % ước tính giá trị công việc của từng thành viên ghi trong thỏa thuận liên danh sai khác so với giá trị phần công việc đảm nhận của mỗi thành viên trong bảng giá dự thầu không phải là lý do loại bỏ nhà thầu. Trong trường hợp này, việc sai khác tỷ lệ % ước tính giá trị công việc như nêu trên được coi là tình huống phát sinh trong đấu thầu quy định tại khoản 29 Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2025/NĐ-CP), chủ đầu tư chịu trách nhiệm xử lý theo hướng đánh giá lại năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trên cơ sở giá trị công việc của từng thành viên đảm nhận theo bảng giá dự thầu.
Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư chịu trách nhiệm xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về đấu thầu; bảo đảm việc lựa chọn nhà thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; không làm thất thoát, lãng phí vốn nhà nước.